KHỞI NGHIỆP GIẶT LÀ TẠI VIỆT NAM TRONG ĐẠI DỊCH COVID – NÊN HAY KHÔNG? - Máy giặt công nghiệp - SMC Laundry

KHỞI NGHIỆP GIẶT LÀ TẠI VIỆT NAM TRONG ĐẠI DỊCH COVID – NÊN HAY KHÔNG?

Khởi Nghiệp Giặt Là Tại Việt Nam

Mở cửa hàng giặt sấy là một dịch vụ thuận tiện cho sinh hoạt, đây là hoạt động kinh doanh tiềm năng, có thể mở rộng mạnh mẽ trong tương lai gần. Cuộc sống đang ngày càng bận rộn hơn, diện tích các ngôi nhà thu hẹp, số lượng người độc thân tăng và thu nhập của người dân cao hơn. Đây chính là điều kiện để dịch vụ này bùng nổ. Đây là một công việc kinh doanh tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, dịch bệnh vì là một mặt hàng kinh doanh không chạy theo xu hướng thời trang, là ngành kinh doanh bền vững, tỷ lệ đóng cửa khá thấp. Vậy trong trong năm 2021 này, cửa hàng giặt sấy sẽ phát triển thế nào và đối với những nhà kinh doanh mới có ý định khởi nghiệp giặt là có nên đầu tư ngay trong thời điểm này không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Những Câu Chuyện Cảm Hứng Khởi Nghiệp Giặt Là

Khới nghiệp từ chuỗi giặt ủi thông minh lấy ý tưởng từ seri hài Mr.Bean

Nguyễn Anh Sơn (sinh năm 1990, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ, từng làm ở bộ phận iTunes của Apple nhưng Nguyễn Anh Sơn lại quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp. Anh luôn xác định muốn phát triển sự nghiệp dựa trên sự bền vững. Chàng trai này nhận định hầu hết các doanh nghiệp đang phải đương đầu với những câu hỏi hóc búa như tồn kho, ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cạnh tranh, tài chính ảo, công nợ… dẫn đến sự phát triển tại các thời điểm không ổn định một cách bền vững. Và rằng muốn kinh doanh hiệu quả thì điều quan trọng nhất là phải nhắm vào nhu cầu cơ bản của con người.

Trong một lần du lịch tại Nha Trang hồi tháng 8.2014, Sơn vô tình có nói chuyện với một tài xế taxi về tiệm giặt trong seri hài Mr.Bean. “Câu chuyện phiếm làm tôi giật mình khi nhận ra đây chính là cái mình đang tìm kiếm! Giặt sấy luôn là nhu cầu tất yếu. Giặt sấy không bị biến mất ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Giặt sấy không có hàng tồn kho như nhà hàng và tạp hóa”, Sơn kể.

Tham khảo thêm thông tin, Sơn thấy giặt sấy là ngành phát triển thực sự bền vững từ sự bùng nổ dân số tại Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ 2: “Các cửa hàng giặt sấy đã lan rộng khắp 116 quốc gia trên khắp thế giới. Riêng tại Mỹ số liệu tiệm giặt sấy thống kê vào năm 2014 là 35.000 cửa hàng. Nhìn lại thị trường Việt Nam thì đây là một ngành hoang sơ chưa ai khai thác”.

“Giặt quần áo là một việc phải làm và thực sự không ai thíc việc này cả. Nhất là 70% sinh viên tại Sài Gòn lại đến từ các tỉnh khác. Theo tôi thống kê thì trung bình 40 sinh viên sẽ cần tối thiểu một máy giặt. Tôi bắt tay xây dựng kế hoạch kinh doanh và chỉ trong 12 ngày sau tôi đã khai trương được cửa hàng giặt sấy thông minh Laundpro đầu tiên tại đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh”, Sơn nói.

Thời điểm ban đầu khai trương, Laundpro sử dụng máy giặt gia đình. Tuy nhiên, vì các loại máy gia đình được thiết kế sử dụng một ngày một lần, nhưng khi đem vào kinh doanh thì một ngày máy phải chạy 10 lần dẫn đến máy móc trục trặc liên tục.

“Chỉ với 19 phút giặt và 25 phút sấy bạn sẽ quần áo dùng được ngay lập tức. Và kỳ vọng quá lớn vào sự đột phá ưu việt trên đã thúc đẩy tôi quyết định nhập và triển khai hàng loạt cửa hàng Laundpro. Tuy nhiên, điều này vô tình đưa Laundpro trên bờ vực phá sản khi tồn đọng hơn 100 máy giặt sấy chưa được triển khai (giá trị mỗi máy từ 100 – 200 triệu đồng), do yếu tố quyết định thành công lại nằm ở địa điểm”, Sơn tiếp tục nói về những trục trặc trên con đường khởi nghiệp của mình.

Sau những sự cố ban đầu, Sơn đã biết định hướng chính xác hơn cho hệ thống Laundpro bằng cách đưa ra những dịch vụ khác biệt với chất lượng tốt. Đơn cử như việc Laundpro có hệ thống thanh toán tự động bán thẻ và nạp tiền tự động không cần nhân viên. Thẻ được kích hoạt qua số điện thoại khách hàng để máy gửi báo cáo giao dịch phát sinh và số dư của thẻ bằng tin nhắn, đồng thời máy sẽ tự động thông báo cho khách hàng khi máy đã giặt xong, mang lại cảm giác yên tâm cho khách giống như giặt ở nhà.

Bên cạnh đó Laundpro chuyển sang sử dụng máy giặt công nghiệp. Đặc biệt, khách hàng không bao giờ phải đụng tay vào hóa chất vì đã có hệ thống bơm định lượng tự động đưa hóa chất giặt chính xác theo định mức phù hợp. Khách đến Laundpro chỉ cần cho quần áo vào máy, đóng lại, bấm chọn vết bẩn, loại vải rồi cho thẻ vào máy bấm khởi động. Nếu như một chiếc máy giặt thường được xem là một thiết bị gia dụng phổ biến ở các gia đình thì đối tượng khách hàng mà Laundpro lựa chọn lại là những người muốn tiết kiệm thời gian.

Sau gần 10 tháng đi vào hoạt động, thống kê cho thấy Laundpro có sự tăng trưởng rất ổn định từ tháng thứ 4. Thống kê tại một chi nhánh sau khi trừ tất cả chi phí mang về lợi nhuận đạt mức khoảng 18 triệu/tháng.

“Ở Việt Nam, mô hình giặt sấy này còn mới nhưng lại là nhu cầu thường nhật nên dịch vụ của Laundpro sẽ không bị thoái trào, cũng như nó đã tồn tại từ rất lâu ở Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để việc sử dụng dịch vụ giặt sấy tự động ngày càng phổ biến”, Sơn nói.

Khi được hỏi tại sao lại từ bỏ công việc ở Apple – một công ty mơ ước của rất nhiều người trẻ để trở về Việt Nam khởi nghiệp, Sơn bộc bạch: “Gia đình tôi ở Việt Nam và tôi luôn muốn đóng góp công sức cho quê hương”. Chàng trai Hà Nội đang làm giàu trên đất Sài Gòn này đồng thời chia sẻ điều khó khăn nhất với một người trẻ khi bắt tay vào thực hiện một dự án khởi nghiệp chính là phải “ra quyết định”.

Làm giàu từ dịch vụ giặt sấy tự động

Tốt nghiệp Đại học Sao Đỏ, chuyên ngành Điện tử công nghiệp, sau khi ra trường, Nguyễn Hữu Trọng vào làm việc cho một công ty nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Có một công việc ổn định và mức lương khá, tuy nhiên Trọng vẫn nung nấu ý định gây dựng sự nghiệp của riêng mình.

Sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy nhu cầu giặt sấy của công nhân tại các khu công nghiệp khá cao. Tuy nhiên chưa có mô hình kinh doanh nào phù hợp với đặc thù công việc và điều kiện của những người công nhân, như khoảng cách, giá thành thấp, thời gian linh động.

Anh Trọng đánh giá, dịch vụ giặt sấy đã phát triển khá mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên hầu hết các điểm giặt sấy đang hoạt động khá thụ động, khách hàng mang quần áo bẩn đến cửa hàng và phó thác cho nhân viên giặt giũ, mà không thể can thiệp vào quy trình giặt sấy. Từ đó tạo nên tâm lý lo lắng về chất lượng và kéo dài thời gian chờ đợi. Hiện nay cũng có một số đơn vị triển khai dịch vụ giặt sấy tự động, tuy nhiên họ lại đặt ở các cửa hàng cố định, nên vẫn không tối ưu hóa được tiện ích cho khách hàng.

Nắm bắt được nhu cầu này, Trọng đã có ý tưởng triển khai xây dựng một hệ thống giặt sấy tự động sử dụng thẻ từ thay cho tiền mặt, nhằm khắc phục những hạn chế của dịch vụ giặt sấy hiện nay. Để hiện thực hóa ý tưởng, Trọng phải bỏ thời gian gần một năm nghiên cứu thị trường và thuê một đơn vị thiết kế phần mềm điều hành. Đến cuối năm 2018, “đứa con tinh thần” mang tên AFY của Trọng chính thức được triển khai tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Toàn bộ quá trình vận hành của hệ thống được điều hành qua internet. Do đó, Trọng vừa duy trì công việc đang làm mà vẫn quản lý tốt dịch vụ giặt sấy tự động.

“Vì là đơn vị đi sau, nên tôi xác định mình phải tạo ra được sự khác biệt và ưu việt hơn so với những đơn vị đi trước thì mới có thể tồn tại và phát triển được” – anh Trọng cho hay. Theo đó, khi sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ được cấp một thẻ từ với mã số riêng, khi muốn giặt là, họ chỉ việc nạp tiền vào tài khoản và có thể chủ động sử dụng hệ thống máy giặt bất kỳ lúc nào. Tại đây, họ có thể tự động phân loại từng loại áo quần và đảm bảo rằng áo quần của mình không giặt chung với quần áo của người khác.

Với phương châm đem đến sự hài lòng và tiện ích nhất cho khách hàng, Trọng tìm đến các nhà trọ nơi có đông công nhân, đặt vấn đề với nhà chủ cho lắp đặt các máy giặt tự động tại đó. Quyền lợi mà chủ nhà trọ được hưởng là % doanh thu khi bán thẻ nạp cho công nhân. Ngoài ra, việc được lắp đặt hệ thống giặt tự động cũng sẽ giúp nâng cấp chất lượng dịch vụ của khu trọ đó và thu hút đông khách hàng hơn. Vì thế mô hình này được các chủ nhà trọ rất đón nhận và hợp tác.

Với hình thức hợp tác này, Trọng đã thành công khi biến những người chủ trọ thành một “nhân viên” kinh doanh của mình. Ngoài ra, cửa hàng không mất tiền thuê địa điểm và chính những người chủ trọ cũng có trách nhiệm với thiết bị được đặt tại địa điểm của mình. Tiêu chí để Trọng chọn đặt máy giặt là những khu phòng trọ khép kín, có điều hòa, bình nóng lạnh đầy đủ. “Khi những đối tượng khách hàng có tư duy chọn nơi ở tiện nghi thì khả năng họ sử dụng dịch vụ giặt sấy sẽ cao hơn nhiều” – anh Trọng phân tích.

Nhờ được lập trình sẵn, các máy giặt hoạt động 24/24 giờ mà không cần nhân viên phục vụ, nên khách hàng được tự chủ hoàn toàn việc giặt giũ của mình, không mất nhiều thời gian chờ đợi hoặc phải hẹn giờ quay lại lấy đồ như ở các cửa hàng truyền thống. Thay vào đó, sau khi giặt xong hệ thống tự động nhắn tin về số điện thoại của khách hàng.

Hơn nữa, việc thanh toán không dùng tiền mặt nên tạo được lợi nhuận tối đa, tiết kiệm chi phí nhân công, mặt bằng. Do không mất tiền thuê nhân công, địa điểm nên chi phí giặt của AFY hiện nay khá thấp, chỉ 15.000 đồng/lần giặt (7,5kg). Sau một thời gian thử nghiệm, hiện nay hiệu quả mô hình đã được khẳng định, phù hợp với các khu nhà trọ. Có thể nhân rộng ra các khu công nghiệp trong cả nước, vì thế thị trường hoạt động và tiềm năng của mô hình là rất lớn.

Khởi Nghiệp Giặt Là Trong Đại Dịch Covid – Nên Hay Không?

Dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng góp phần mở ra các xu hướng mới buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng.

Sau khi Covid-19 bùng phát, chi tiêu người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt, khiến nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, bệnh dịch cũng góp phần mở ra các xu hướng mới buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Liệu điều này có trở thành cơ hội phát triển mới cho các mô hình kinh doanh tại Việt Nam.

Và theo nghiên cứu trong năm qua dịch vụ giặt là cùng với làm tóc, làm đẹp, các dịch vụ mua sắm online là một trong những ngành kinh doanh phát triển bền vững trong năm 2020 vừa qua.

Điều này chứng tỏ ngành giặt là, cắt tóc, ngành làm đẹp là một nhu cầu bền vững. Chỉ có nhận thức và hành vi khách hàng về vấn đề an toàn sức khỏe là thay đổi. Trong dịp này các cửa hàng giặt là nên gấp rút nâng cấp quy trình, sản phẩm để đưa yếu tố “an toàn, an tâm” lên hàng đầu.

Trong thời gian giãn cách xã hội thì tiệm giặt là cũng không thuộc trong những trường hợp dịch vụ văn hóa, thể thao vui chơi, giải trí hay ăn uống nên tiệm giặt là trong thời gian giãn cách xã hội vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên với những nhà kinh doanh dịch vụ giặt là cũng nên chú ý luôn đảm bảo các phương án an toàn, đeo khẩu trang, không tụ tập quá đông để phòng chống dịch hay ý tưởng phát triển dịch vụ giặt sấy lấy và giao ngay tại nhà cũng là một phương pháp an toàn thay đổi hình thức kinh doanh giặt là.

Rất mong rằng qua những câu chuyện khởi nghiệp trên và dựa trên tình hình đại dịch có thể bùng phát trở lại, những nhà kinh doanh có ý định khởi nghiệp kinh doanh giặt là trong năm 2021 này sẽ có những ý tưởng và nguồn động lực để tạo nên thành công vượt đại dịch, phát triển kinh tế bền vững!